Tìm hiểu về cấu tạo phuộc trước xe máy (Phần 1)

Từ “phuộc” được bắt nguồn từ tiếng Pháp (fourche) hay tiếng Anh (fork) nghĩa là cái xiên, là hình ảnh quen thuộc của cặp ống nhún gắn trên chạc ba xe máy.

Thông tin về khởi nguồn của phuộc trước đều không nói rõ ràng về thời gian nhưng được biết, phuộc trước bắt đầu được ứng dụng phổ biến trên xe máy vào những năm đầu của thập niên 50. Chiếc phuộc tiền thân của các dạng phuộc hiện nay là phuộc xà nhà (girder).

phuoc-xe-may.jpg

Phuộc trước là một bộ phận nối kết giữa bánh trước và chảng ba xe máy (càng trước) có tác dụng giúp hạn chế tối đa sự giằng xóc của phần cổ xe khi đi trên những con đường xấu. Nhờ có phuộc trước mà phần tay lái (ghi-đông) sẽ dễ dàng điều khiển hơn khi gặp chướng ngại và người điều khiển sẽ bớt mỏi tay, vai hơn khi lái xe trên những đoạn đường dài.

Phuộc lồng (telescopic)

Phuộc lồng sử dụng ống phuộc, bên trong có chứa những chi tiết như lò xo, ty phuộc và dầu giảm chấn nhằm giúp triệt tiêu tối đa lực chấn động từ bánh trước lên tay lái. Đây là loại phuộc thông dụng nhất hiện nay được sử dụng trong hầu hết các dòng xe thương mại. Tùy thuộc vào nhà sản xuất mà loại phuộc này có hoặc không có phần cao su bao bọc. Phần cao su này mục đích là để chống bụi bẩn có thể làm xước ty phuộc (điển hình như phuộc của Honda 67 hay Bonus 125).

Cau_Tao_Phuoc_Truoc_Xe_May (1).gifCấu tạo phuộc lồng.

Hoạt động của bộ phận giảm dao động được biểu diễn như sau: Giả sử khi xe chạy trên đường cán phải 1 viên đá, khi đó bánh xe tác dụng lực lên hệ thống nhún. Lúc này ở bộ phận giảm dao động dầu chảy nhanh từ khoang 1 sang 2 qua tiết diện lớn, nên lò xo nén nhanh dẫn đến rung động bị hấp thụ. Khi bánh xe đang nằm trên hòn đá, lò xo dùng lực đàn hồi bật trở lại, lúc này ở bộ phận giảm dao động dầu chảy ngược từ khoang 2 sang khoang 1, nhưng tiết diện chảy từ khoang 2 sang 1 nhỏ nên dầu chảy chậm, lò xo giản ra từ từ nên xe ko bị “bật nảy”.

Cau_Tao_Phuoc_Truoc_Xe_May (3).jpgHoạt động của phuộc lồng.

Ưu điểm của loại phuộc này:

- Dễ thiết kế, lắp ráp và giá rẻ.

- Nhẹ hơn các loại phuộc cũ.

- Nhìn sạch sẽ và dễ cân chỉnh cho phù hợp với mục đích của người sử dụng hơn.

Nhược điểm:

- Một số loại phuộc không có ống cao su bảo vệ nên thường dẫn đến tình trạng xước ty, rỗ ty phuộc.

- Xì dầu thủy lực bên trong ống phuộc qua ron/gioăng (joint) nếu lực nén quá mạnh.

- Dễ cong ty khi có va chạm (lực tương đối mạnh).

- Ít có cảm giác hơn các phuộc khác khi xảy ra hỏng hóc.

Cau_Tao_Phuoc_Truoc_Xe_May (4).jpgThiết kế phuộc lồng.

Thông thường, loại phuộc này được thiết kế với phần trụ nằm phía trên, được siết chặt vào phần chảng ba và phần ống phuộc (chi tiết trượt) thì được cố định vào lốp trước. Trên một số xe thể thao hiện đại, hầu hết các xe địa hình (off-road) thì hệ thống này bị đảo ngược lại (tức là phần ống phuộc được cố định vào chảng ba và phần trụ được cố định vào lốp trước) và được gọi là “phuộc đảo” hay phuộc upside-down (gọi tắt là USD).

Cau_Tao_Phuoc_Truoc_Xe_May (2).jpgPhuộc đảo upside-down (USD).

Lợi thế của kiểu đảo ngược này:

- Làm giảm trọng lượng của phuộc (do được đảo ngược nên các thành phần bên trong phuộc được thay thế bằng những loại vật liệu nhẹ hơn thông thường)

- Làm tăng độ êm ái, đàn hồi của phuộc khi có lực tác động (khi đảo ngược hành trình phuộc thì lực tác động từ bánh trước lên phuộc ít hơn và lực từ chảng ba xuống phuộc nhiều hơn làm cho hành trình của phuộc dài hơn nên sẽ êm ái hơn)

- Tuy nhiên, kiểu phuộc này cũng có nhược điểm là dễ bị vỡ ống chứa dầu hoặc bị rò (xì) dầu thủy lực trong ống chứa ra ron/gioăng (joint).

Theo ghi nhận thì chiếc xe đầu tiên được áp dụng hệ thống phuộc lồng với dầu thủy lực này là BMW R12 và R17 được xuất xưởng vào 1935. Mặc dù hệ thống phuộc lồng nhưng không có sử dụng dầu thủy lực được áp dụng trên xe máy vào năm 1908 bởi một hãng xe của Anh và 1934 bởi hãng xe của Đan Mạch nhưng cả 2 lại không được ghi nhận vì hệ thống phuộc này chưa hoàn chỉnh.

  • Xe máy phun xăng điện tử: Đừng tưởng lành
  • Vì sao xe máy nhập không tắt đèn vào ban ngày?

Thanh Phan