Nguy cơ nhiều DN nhập khẩu xe tải quy mô nhỏ phải rời bỏ cuộc chơi đang hiển hiện. Thị trường sẽ chỉ còn lại những DN lớn. Chưa kể, với các quy định trong Nghị định 116, giá các loại xe tải thời gian tới sẽ tăng mạnh.
DN nhỏ lo đóng cửa
Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, có hiệu lực từ 17/10/2017, sẽ siết chặt hoạt động sản xuất kinh doanh với ô tô tải.
Theo quy định, các DN sản xuất lắp ráp ô tô, trong đó có xe tải, phải có đường xe với chiều dài tối thiểu 800m, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật. Đây là quy định bắt buộc, khiến nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô trước đây chưa có, nay phải đầu tư. Vấn đề khó khăn hiện nay là kiếm đâu diện tích đất để làm đường thử. Những DN nhỏ nhà xưởng vốn nhỏ bé, diện tích mặt bằng hạn hẹp, sẽ không dễ đáp ứng quy định này; nếu đáp ứng được thì chi phí sẽ tăng khiến giá thành xe đội lên.
Các DN xe tải sẽ phải đáp ứng nhiều yêu cầu mới của Nghị định 116 (ảnh minh họa - Lê Anh Dũng)
Một điều kiện bắt buộc nữa là phải có dây chuyền sơn đạt tiêu chuẩn. Để đầu tư dây chuyền này cũng tốn hơn 100 tỷ đồng, nhiều DN nhỏ không có tiền đầu tư, hoặc đầu tư xong cũng khiến giá xe đội lên.
Khó khăn nữa là dây chuyền kiểm định, quy định mới phải đòi người phụ trách phải có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành và có 5 năm kinh nghiệm. Để kiếm được nhân lực đáp ứng yêu cầu này cũng không dễ, nhất là với những DN sản xuất lắp ráp ô tô tải quy mô nhỏ.
Đó là chưa kể, đại lý bán xe cho DN sản xuất lắp ráp ô tô tải cũng phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở hạ tầng dịch vụ. Trong khi đó, hầu hết các DN quy mô nhỏ hiện nay chưa đáp ứng điều này.
Các DN sản xuất, lắp ráp ô tô tải có 18 tháng để chuẩn bị các điều kiện theo quy định tại Nghị định 116. Tuy nhiên, nhiều DN sản xuất lắp ráp ô tô quy mô nhỏ cho hay đang đứng trước nguy cơ đóng cửa bởi không thể đáp ứng được. Nếu có làm được thì chi phí cũng sẽ đồng loạt tăng lên khiến giá xe tăng cao, khó có khả năng cạnh tranh với những DN quy mô lớn, đã đầu tư bài bản từ trước.
Không những thế, những DN xe tải có quy mô lớn với doanh số 7.000 xe/năm, sắp tới còn được giảm thuế nhập khẩu bộ linh kiện, càng đặt những DN xe tải quy mô nhỏ, trước bất lợi về cạnh tranh và dẫn đến đóng cửa.
Xe nhập khẩu khó về
Nhiều DN kinh doanh xe tải nhập khẩu cũng gặp khó khăn không kém. Họ cũng phải có văn bản xác nhận được thay mặt nhà sản xuất lắp ráp ô tô ở nước ngoài thực hiện triệu hồi xe nhập khẩu tại Việt Nam. Kiếm được văn bản này không hề dễ dàng. Với những DN nhập khẩu xe số lượng ít, có thể nhà sản xuất ở nước ngoài sẽ không cung cấp.
Lo giá xe tải tăng mạnh, nhiều DN nhỏ sẽ phải rời bỏ cuộc chơi
Bên cạnh đó, yêu cầu xe tải nhập về phải có chứng nhận chất lượng đạt tiêu chuẩn từ cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài, cũng không phải nước nào cũng đồng ý cấp. Vì vậy, xin được chứng nhận này không rõ sẽ thế nào.
Điều đáng nói, các điều kiện này đưa ra đã khiến các nhà cung cấp ô tô nước ngoài dựa vào đây ép giá DN nhập khẩu xe tải Việt Nam. Một DN nhập khẩu xe tải từ Hàn Quốc cho biết, khi họ đề xuất các điều kiện này, phía nhà cung cấp ngay lập tức đòi tăng giá xe. Ví dụ một chiếc xe 5 tấn, nhập khẩu có giá khoảng 30.000 USD nay nâng lên thêm 6.000 USD để đáp ứng các đòi hỏi từ phía DN Việt Nam.
Nhưng khó khăn nhất với xe tải nhập khẩu có lẽ là quy định kiểm tra chất lượng xe nhập khẩu theo lô. Cứ mỗi lô xe nhập về lại phải mang mẫu đi kiểm tra chất lượng. Các DN cho biết, chi phí kiểm định mỗi lô tốn khoảng 20.000 USD. Nếu nhập xe với số lượng lớn thì chi phí tính bình quân trên đầu xe còn thấp, nhưng các DN nhỏ hiện nay chỉ nhập khẩu từ 10-30 xe mỗi lô, khiến chi phí sẽ tăng. Đấy là chưa kể nếu thử nghiệm không đạt, lại phải thử lại thì chi phí đội thêm 20.000 USD nữa.
Có DN cho biết, thử nghiệm động cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam hiện nay rất ngặt nghèo. Có DN đã mang mẫu đi thử tới cả chục lần vẫn chưa đạt. Nếu thử nghiệm không đạt nhiều lần phải tái xuất.
Ngoài ra, các đại lý bán xe tải nhập khẩu cũng phải đáp ứng quy định về tiêu chuẩn dịch vụ, bảo hành, bảo dưỡng. Hiện nay hầu hết đại lý bán hàng cho DN nhập khẩu xe tải quy mô nhỏ, không đáp ứng được điều kiện này.
Do đó, nguy cơ nhiều DN nhập khẩu xe tải quy mô nhỏ sẽ phải rời bỏ cuộc chơi đang hiển hiện. Thị trường chỉ còn lại những DN lớn. Một DN ô tô tải cho biết với các quy định trong Nghị định 116, hiện tại Việt Nam có rất ít DN đáp ứng được điều kiện này.
Hơn thế nữa, từ đầu năm 2018, xe ô tô động cơ Diesel, sẽ phải thực hiện tiêu chuẩn khí thải Euro 4. Các DN cho biết, với xe tải hạng trung từ 3-8 tấn chuyển đổi sang động cơ Euro 4, giá thành tăng thêm hơn 50 triệu đồng, còn xe hạng nặng từ 8-30 tấn, giá tăng thêm khoảng 130 triệu đồng mỗi xe.
Tất cả những yếu tố nêu trên cộng lại, sẽ khiến cho giá xe tải trên thị trường tăng mạnh.
Theo Trần Thủy