Thứ ba | 10/09/2024 | 07:47

Giảm thuế tiêu thụ đặc biệt ôtô trong nước, giá xe có giảm?

Người tiêu dùng đang mong đợi mua được chiếc ôtô lắp ráp trong nước giá thấp nhờ thuế tiêu thụ đặc biệt (SCT) giảm 5% vào năm 2018. Tuy nhiên, theo tính toán, giá xe cũng chỉ giảm khoảng 3% - không đáng là bao.

Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa 13 đã chính thức biểu quyết thông qua việc sửa đổi và bổ sung một số điều của Luật thuế Tiêu thụ Đặc biệt (TTĐB). Theo đó, ôtô chở người dưới 10 chỗ có dung tích nhỏ (đặc biệt là loại dưới 1.500cc) sẽ có mức thuế TTĐB giảm.

Với nhất trí này, thị trường ôtô sẽ rất sôi động, đặc biệt ở phân khúc xe đô thị với dung tích nhỏ dưới 2.0L có mức giảm thuế TTĐB nhất định. Đặc biệt lộ trình thay đổi với dòng xe này được đánh giá có ổn định, đến tận thời điểm 2018 khi khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có hiệu lực.

Theo lộ trình này, ôtô dưới 10 chỗ, dung tích xi-lanh dưới 1.500cc sẽ giảm thuế TTĐB từ 45% xuống 40% từ 1/7/2016 và tiếp tục giảm xuống còn 35% từ ngày 1/1/2018. Xe có dung tích từ 1.500cc đến dưới 2.000cc giữ nguyên mức 45% đến hết ngày 31/12/2017; sau đó hạ xuống còn 40% kể từ 1/1/2018.

honda-city-2016.jpgGiá xe lắp ráp trong nước (CKD) sẽ giảm không đáng kể từ đầu 2018

Nhiều người cho rằng, với việc giảm thuế TTĐB 5% vào đầu năm 2018 như đã đề cập ở trên thì giá xe sẽ giảm mạnh. Điều này khiến người dân có tâm lý chờ đợi xe giá rẻ. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) và xe lắp ráp trong nước (CKD).

Nói giá xe nhập khẩu giảm mạnh vào năm 2018 thì có lý, bởi với việc vừa giảm thuế TTĐB, vừa giảm thuế nhập khẩu từ một số thị trường thì giá xe nhập giảm đi là điều đương nhiên. Còn xe lắp ráp trong nước chỉ chịu ảnh hưởng của thuế Tiêu thụ đặc biệt (SCT) mà không liên quan gì đến thuế nhập khẩu nên mức giảm không nhiều.

toyota-vios-3.jpgVới những mẫu xe phân khúc B, nếu Thuế TTĐB giảm 5% thì giá xe cũng chỉ giảm khoảng 3%

Hiện nay, cơ sở để tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước là dựa trên giá bán buôn. Chẳng hạn, một mẫu xe lắp ráp trong nước dung tích 1.5L, thuộc phân khúc B, giá khoảng 600 triệu đồng sẽ có cơ cấu giá như sau:

Giá bán buôn (370 triệu đồng) + Thuế TTĐB (40% x 370 = 148 triệu đồng) + Thuế VAT/ Chi phí bán hàng của đại lý (82 triệu đồng) = Giá bán lẻ (600 triệu đồng).

Nếu đầu 2018, TTĐB của xe lắp ráp trong nước giảm 5% thì cũng với mẫu xe trên, cơ cấu tính giá sẽ là:

Giá bán buôn (370 triệu đồng) + Thuế TTĐB sẽ là (35% x 370 = 129 triệu đồng) + Thuế VAT/ Chi phí bán hàng của đại lý (80 triệu đồng) = Giá bán lẻ (579 triệu đồng).

Như vậy, giá giữa 2 năm 2017 và 2018 của mẫu xe CKD, phân khúc B nói trên sẽ giảm 21 triệu đồng (khoảng 3%) – một mức giảm không nhiều.

untitled-2.jpg

Đại diện một hãng xe lắp ráp tại Việt Nam cho biết, việc xây dựng giá thành của mỗi chiếc xe dựa trên rất nhiều yếu tố mà các nhà sản xuất, phân phối luôn cân nhắc hết sức kỹ lưỡng. Hãng này hiện không thể nói trước được việc giá xe 2018 có giảm hay không.

Bên cạnh đó, người dùng cũng cần cân nhắc kỹ nhu cầu sử dụng và khả năng đầu tư để có lựa chọn mua xe phù hợp. Nếu đang có nhu cầu sử dụng xe phục vụ cả sinh hoạt và công việc thì nên mua xe trong năm nay và không cần đợi đến năm 2018 để “chờ” xe giá rẻ.

Thế Đạt (Trithucthoidai)