Thứ hai | 23/12/2024 | 12:12

Doanh nghiệp nhập khẩu ôtô lại kêu khó

Yêu cầu phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng theo quy định và phải cam kết trách nhiệm bảo hành, triệu hồi xe khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ôtô lo lắng.

Bản dự thảo lần 2 Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến đã bỏ những quy định tại Thông tư 20 trước đây được cho là bóp nghẹt doanh nghiệp, như giấy chứng nhận uỷ quyền chính hãng, chứng minh bảo hành, bảo dưỡng chính hãng... Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập khẩu xe vẫn cho rằng dự thảo lần này đưa ra nhiều quy định ngặt nghèo về điều kiện bảo hành, bảo dưỡng.

Theo bản dự thảo, để đủ điều kiện nhập khẩu ôtô, doanh nghiệp phải sở hữu tối thiểu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sau ngày 1/7/2020. Còn trước mắt, doanh nghiệp có quyền lựa chọn một trong 3 hình thức: sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; thuê cơ sở bảo dưỡng phù hợp, thời gian thuê tối thiểu 3 năm; hoặc có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối.

Dù sau 3 năm nữa mới bắt buộc phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc sở hữu của doanh nghiệp, song các chủ kinh doanh xe nhập cho rằng vẫn khó có thể đáp ứng được điều kiện này.

Ông Tô Đình Lâm, Giám đốc Auto K nói quy định này là sự lãng phí. Bởi với doanh nghiệp nhỏ nhập khẩu xe không chính hãng, để đầu tư một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn Bộ Giao thông vận tải cấp phép thì ngoài chi phí bỏ ra hàng chục tỷ đồng cho đầu tư máy móc, thiết bị kỹ thuật, diện tích nhà xưởng phải đủ rộng sử dụng tối thiểu 5 năm... còn là bài toán kinh tế duy trì hoạt động cho cơ sở này hằng tháng, thuê nhân công...

Theo tính toán của vị này, một cơ sở bảo hành bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn 3S để duy trì được hoạt động mỗi tháng phải sửa chữa bình quân 300 xe. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp mỗi năm chỉ bán được vài trăm xe, sẽ không đủ lượng xe cho garage bảo dưỡng, bảo hành của mình vận hành. "Cho dù có đầu tư thì rủi ro cũng rất cao, doanh nghiệp khó kham nổi", ông Lâm nói.

1-range-rover-autobiography-hybrid-3.JPGDoanh nghiệp muốn nhập xe về Việt Nam tới đây phải chịu loạt điều kiện khắt khe. 

Còn ông Nguyễn Tuấn - Giám đốc Công ty Thiên Phúc An cho rằng điều kiện kinh doanh này là khó khả thi. Doanh nghiệp nhập xe là hoạt động thương mại thông thường, trong khi các quy định về cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đòi hỏi quản lý về kỹ thuật. Xét về bài toán đầu tư vị này cho rằng, cũng thiếu khả thi. Để có một garage bảo hành, bảo dưỡng đạt tiêu chuẩn doanh nghiệp sẽ phải đầu tư hàng chục tỷ, thêm mỗi tháng khoản chi phí cả tỷ để duy trì mỗi hoạt động bảo hành, bảo dưỡng cho những xe doanh nghiệp bán thì "không làm gì lại cho được".

Vì lẽ đó, thay vì quy định "cứng" doanh nghiệp phải có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng sau 3 năm nữa, các ông chủ kinh doanh xe nhập khẩu đề xuất, nhà quản lý chỉ cần quy định doanh nghiệp được thuê, liên kết với cơ sở bảo dưỡng đủ tiêu chuẩn.

"Sự bắt tay, liên kết vừa giúp doanh nghiệp đỡ tốn kém mà vẫn đảm bảo các yêu cầu, tiêu chuẩn theo quy định pháp luật, cũng bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng khi mua xe", Giám đốc Công ty Thiên Phúc An góp ý.

Ngoài điều kiện về sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, điểm chốt chặt nữa tại bản dự thảo khiến các doanh nghiệp nhập ôtô không chính hãng quan ngại, là yêu cầu phải có phần mềm chính hãng từ nhà sản xuất xe để đọc thiết bị chuẩn đoán ECU (bộ xử lý và điều khiển điện tử trung tâm, tiếp nhận và xử lý các tín hiệu theo chương trình định sẵn).

"Quy định doanh nghiệp phải có phần mềm đọc ECU để xác định lỗi động cơ do nhà sản xuất xe cung cấp là bất hợp lý, chẳng khác gì Thông tư 20 'trá hình', ông Nguyễn Tuấn nói.

Theo ông, hiện các xe nhập khẩu từ các nước hầu hết đã theo chuẩn Euro 4, sử dụng công nghệ phun xăng điện tử và được trang bị ECU. Máy đọc lỗi ECU có nhiều loại và nhiều nhà cung cấp phần mềm tương thích, phát hiện lỗi ôtô với tính năng như nhau.

Với các hãng sản xuất xe nếu đã có nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam, họ sẽ chỉ cung cấp phần mềm đọc ECU của mình cho các nhà phân phối của họ chứ không cung cấp cho doanh nghiệp khác.

"Nếu không có phần mềm chính hãng đọc ECU thì sẽ không đủ điều kiện cấp phép cơ sở bảo hành, bảo dưỡng xe. Đồng nghĩa, doanh nghiệp không được cấp giấy phép kinh doanh ôtô nhập khẩu", ông nói và đề xuất sửa quy định này, chỉ cần doanh nghiệp trang bị phần mềm đọc lỗi ECU chính hãng là đủ.

Lý giải về những điều kiện kinh doanh đưa ra khá chặt về bảo hành, bảo dưỡng tại bản dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo - Bộ Công Thương cho hay, mục tiêu lớn nhất mà nghị định này hướng đến là bảo vệ quyền lợi, an toàn người tiêu dùng trong nước, đồng thời gắn trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh với mỗi sản phẩm bán tới tay người tiêu dùng.

Do chưa có các quy định chặt chẽ để ràng buộc trách nhiệm của các nhà nhập khẩu ôtô nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nên trường hợp xe nhập khẩu phát sinh lỗi kỹ thuật trong quá trình sản xuất của hãng, thì không có doanh nghiệp nhập khẩu nào chịu trách nhiệm triệu hồi, sửa chữa, bảo hành, bảo dưỡng. Trong khi đó ở các nước trên thế giới, ôtô nhập khẩu khi phát sinh các lỗi kỹ thuật tương tự được triệu hồi và sửa chữa miễn phí.

"Những quy định tại dự thảo nhằm thiết lập cơ chế hợp lý và có hiệu quả để hạn chế tối đa các sản phẩm kém chất lượng tham gia lưu thông trên thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dài hạn, tạo ra sản lượng đủ lớn nhằm tăng dung lượng thị trường cho ngành công nghiệp ôtô nội địa...", Bộ Công Thương lý giải.

 Theo Anh Minh (Báo điện tử VnExpress)