Hiện tại, ôtô nguyên chiếc nhập về Việt Nam đang chưa bao giờ rẻ đến thế. Giữa năm 2016, giá xe bình quân nhập cảng từ Ấn Độ vào khoảng gần 160 triệu đồng, thì đến giữa năm 2017 này chỉ còn khoảng 100 triệu đồng/xe.
Làn sóng ôtô ngày càng rẻ vào Việt Nam phần nào thoả mãn “giấc mơ ôtô” của hàng triệu người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc giá xe nhập đã xuống tới mức chỉ còn từ 4.400 USD (giá CIF tại cảng với xe nhập từ Ấn Độ), tương đương với một chiếc xe tay ga, lại khiến nhiều người lo sợ viễn cảnh Việt Nam thành “bãi rác” xe chất lượng thấp của khu vực.
Giữa làn sóng xe nhập khẩu giá rẻ, liên bộ Giao thông Vận tải - Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Đó là một nguy cơ có thật bởi Ấn Độ đang hướng đến áp dụng các tiêu chuẩn Euro 4. Các nước xung quanh Việt Nam cũng đều đã áp dụng các tiêu chuẩn khí thải cao, như Hàn Quốc áp dụng Euro 5, Trung Quốc áp dụng Euro 5 ở một số thành phố và Euro 4 cho toàn quốc. Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines áp dụng Euro 4…
Trong khi đó, việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 tại Việt Nam vẫn “bỏ ngỏ” do nhiên liệu chưa thể đáp ứng.
Một vị chuyên gia trong ngành ôtô nói, các xe giá rẻ thường đi kèm với chất lượng thấp: “Một số mẫu xe giá rẻ sản xuất theo lô lớn, hàng bị tồn nhiều, ế ẩm, lỗi mốt nên có giá rẻ. Như dòng xe Grandi10 từ Ấn Độ ngốn xăng nhiều, cản trước xe yếu, va chạm nhẹ là vỡ”.
Hay như câu chuyện về ôtô Nano của Ấn Độ, xe chỉ có một kính chiếu hậu như xe máy, có một quạt máy chứ không có máy lanh...
Giữa làn sóng xe nhập khẩu giá rẻ, liên bộ Giao thông Vận tải - Công Thương vừa có tờ trình gửi Chính phủ về việc ban hành nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô.
Đây chính là nghị định hiện thực hoá việc Quốc hội đưa ngành sản xuất, lắp ráp ôtô vào ngành kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư. Dự thảo nghị định được đánh giá là đã mở một “cánh cửa rộng” khi quy định mọi doanh nghiệp đều có quyền nhập xe, với các điều kiện về bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi xe… được nới lỏng.
Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ôtô Trường Hải, ông Bùi Kim Kha cho rằng dự thảo nghị định dường như khá dễ dãi khi yêu cầu doanh nghiệp nhập xe chỉ cần “có cam kết với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ôtô nhập khẩu”.
“Từ năm 2012 đến nay, tất cả các đợt triệu hồi đều do chính nhà sản xuất trong nước hoặc quốc tế thông qua các đơn vị được ủy quyền chính thức thực hiện. Các doanh nghiệp nhập khẩu xe nhỏ lẻ, không mua hàng từ gốc với nhà sản xuất, có cơ sở bảo hành bảo dưỡng được đầu tư khá đơn giản, thì sẽ dựa vào đâu để ra quyết định triệu hồi?”, ông Kha nói.
Dẫn chứng chuyện xảy ra mới đây tại Việt Nam với lỗi “cá vàng” trên xe Mazda, ông Kha kể, sau khi Trường Hải báo cáo, Mazda đã cử chuyên gia sang kiểm tra, đánh giá thực tế, xác nhận sau đó mới triệu hồi. Cho dù Trường Hải có muốn, cũng không thể tự ý đứng ra để thực hiện các chiến dịch thu hồi, nếu chưa được nhà sản xuất cho phép.
Về cơ sở bảo hành bảo dưỡng, dự thảo cũng quy định doanh nghiệp có ít nhất một cơ sở từ năm 2020. Song trước mắt lại cho doanh nghiệp chọn 3 hình thức, một là sở hữu cơ sở bảo hành, bảo dưỡng; hai là thuê cơ sở bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm; hoặc cơ sở bảo hành, bảo dưỡng thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp nhập khẩu.
Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho rằng, việc nới lỏng này không phù hợp với thông lệ quốc tế, bởi các nhà sản xuất ôtô trên thế giới thưởng sử dụng hệ thống các đại lý uỷ quyền trong bảo hành, bảo dưỡng và triệu hồi các sản phẩm ôtô để chăm sóc khách hàng.
Với tốc độ nhập xe giá rẻ như hiện nay, cộng với những điều kiện khá dễ dãi trong dự thảo nghị định, nhiều ý kiến lo ngại Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến hấp dẫn của các dòng xe giá rẻ với tiêu chuẩn và chất lượng thấp mà nhiều nước đã ngừng sản xuất.
Trung tuần tháng 3 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã phải truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến các bộ liên quan: “Các bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ căn cứ chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng các hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của pháp luật và cam kết quốc tế để tăng cường quản lý đối với xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu, bảo đảm không để xe ôtô có chất lượng kém được nhập khẩu vào Việt Nam nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các nhà sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước...”.
Theo Kiều Châu (VnEconomy)