Thứ ba | 10/09/2024 | 07:31

Cầm lái Mitsubishi Outlander “từ phố lên rừng” (P.1)

Có quá nhiều lý do để thôi thúc những ai đó lên đường. Lên đường để được tự do, được hòa mình với cuộc sống, được khám phá những vùng đất mới, tiếp cận những nền văn hóa mới… Với chúng tôi, lên đường còn bởi “yêu” những chiếc xe.

Năm 2016 là năm mà chúng tôi đã từng lái xe trên khắp những dẻo cao của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ. Cũng đã “phiêu” theo những cung đường biển miền Trung ngập tràn cát trắng, biển xanh. Rồi cũng đã “lăn bánh” trên những con đường đất đỏ “hưởng” cái nắng gió ràn rạt của Tây Nguyên đại ngàn. Nhưng có một hành trình rất đặc biệt, hành trình tuy là “ngẫu hứng”, “bất chợt” song lại cực kỳ thú vị bởi “người bạn đồng hành” của chúng tôi chính là mẫu Mitsubishi Outlander “mới toanh” vừa ra mắt.

_DSC7227-Recovered.jpg

Hành trình trở nên thú vị bởi “người bạn đồng hành” của chúng tôi chính là mẫu Mitsubishi Outlander “mới toanh” vừa ra mắt

 “Thích là nhích”

Chẳng biết từ bao giờ, tôi có một tình yêu đặc biệt với những chuyến đi, với những chiếc ôtô bụi bặm sau một hành trình dài. Với tôi, đi là đi, là những chuyến đi ngắn ngày cùng bạn bè đến nơi ấn định nào đó hoặc cũng có thể là chuyến đi ngẫu hứng không lịch trình lên sẵn. Đôi khi chẳng biết sẽ đi đâu và về đâu, đi bằng niềm đam mê và trải nghiệm, chinh phục những cảm xúc khó diễn tả theo tiếng gọi con tim mình.

Hành trình Mitsubishi Outlander “từ núi lên rừng” là một “sự ngẫu hứng” như thế. Chỉ được sắp lịch mượn xe đi trải nghiệm và đánh giá vỏn vẹn có 2 ngày, nhưng “hứng” lên, cả team quyết định thực hiện lộ trình Sài Gòn – Đà Lạt ngay khi nhận xe. 2 ngày, 600 cây số dự là sẽ khá gấp gáp và mệt mỏi nhưng phần vì mê đi, phần vì háo hức cầm lái và cảm nhận mẫu xe mới “nhà Mitsubishi” nên chúng tôi đã “mặc kệ” tất cả để lên đường.

_DSC7498-copy.jpg

Lộ trình Sài Gòn – Đà Lạt với đủ loại địa hình phần nào giúp chúng tôi cảm nhận những tính năng ưu việt trong vận hành của chiếc xe

Chúng tôi không có điều kiện cầm lái Outlander trong một chuyến hành trình dài kiểu caravan, song, lộ trình Sài Gòn – Đà Lạt – Sài Gòn với đủ loại địa hình từ đô thị đông đúc, đường cao tốc, đường đồi núi cũng phần nào giúp chúng tôi cảm nhận đủ những tính năng ưu việt trong vận hành của chiếc xe này.

Khởi hành trong đêm

“Những thằng hâm” rời Sài Gòn trong cơn mưa tầm tã. Khác với những chuyến đi trước thường khởi hành vào buổi sớm tinh mơ, lần này chúng tôi “lên núi” khi ngày muộn đã sắp tàn. Bởi lẽ đường lên Đà Lạt nghe thì xa xôi là thế nhưng giờ đã dễ đi hơn nhiều. Lên cao tốc Long Thành – Dầu Giây, đi hết cao tốc xuống Quốc lộ 1A đoạn Dầu Giây, rẽ theo quốc lộ 20 rồi cứ thế mà “vút” khoảng 5 tiếng đồng hồ là lên đến “xứ ngàn hoa” Đà Lạt.

_DSC7489-copy.jpg

Đường lên Đà Lạt nghe thì xa xôi là thế nhưng giờ đã dễ đi hơn nhiều

Đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây vốn không quá đông phương tiện, đi buổi tối lại càng thưa người hơn, thế nên cứ nhấn chân ga theo đúng tốc độ cho phép mà “phóng”. Băng lướt trong đêm tối nhưng vẫn vô cùng tự tin bởi khả năng vận hành của Outlander thực sự ấn tượng và tạo cảm giác rất an toàn. Xe chạy êm, đầm chắc và hệ thống đèn pha LED cung cấp dải sáng và cường độ sáng rất tốt.

Trên mẫu xe Mitsubishi Outlander có một chức năng giúp người lái tiết kiệm nhiên liệu là vận hành xe ở chế độ 4WD ECO, khi đó động cơ chỉ hoạt động ở dải vòng tua thấp nhằm mục đích tiết kiệm nhiên liệu. Nhưng khi chuyển sang chế độ hoạt động bình thường, xe tăng tốc mạnh mẽ hơn hẳn.

_DSC7674-copy.jpg

Mitsubishi Outlander có một chức năng giúp người lái tiết kiệm nhiên liệu là vận hành xe ở chế độ 4WD ECO

Chiếc xe mà tôi đang cầm lái là phiên bản Outlander 2.4 CVT có dung tích xy lanh 2.360 cc, công suất cực đại 165 mã lực/6.000 vòng/phút, mômen xoắn cực đại 222Nm/4.100 vòng/phút. Nhờ thông số này, xe vút lên nhanh chóng mà không hề cảm thấy có độ trễ. Chẳng mấy chốc xe đạt tới vận tốc tối đa cho phép 120km/h trên đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây. Việc Mitsubishi trang bị cho Outlander mới hộp số CVT khiến chiếc xe tăng tốc nhanh, hộp số chuyển mượt mà. Thêm vào đó, những cải tiến về động cơ cũng khiến tiếng ồn lọt vào khoang xe rất ít ở quãng đường thẳng.

Vượt đèo Bảo Lộc

Nếu có chút cảm tình nào trên cung đường Sài Gòn – Đà Lạt theo quốc lộ 20 thì có lẽ chúng tôi dành cho đèo Bảo Lộc. Nghe anh bạn người Đà Lạt thường xuyên chạy tuyến này “khoe” Bảo Lộc là một con đèo đẹp, quanh năm mây phủ, lái xe vượt đèo cũng rất phê, nên khi vừa đến thành phố Bảo Lộc, cả đoàn dừng lại, kiểm tra xe cộ rồi háo hức vượt đèo trong đêm.

_DSC7044-2-copy-1.jpg

Đèn pha LED với khả năng chiếu sáng tối ưu cho chúng tôi một tầm quan sát tốt khi chạy xe trong đêm

Dù đã 11h đêm, nhưng từng đoàn xe tải, công-ten-nơ xếp hàng dài nối nhau qua đèo. Vừa “rình rập” vượt được chiếc xe tải này thì lại gặp 3-4 chiếc khác đang ì ạch leo dốc. Đó là chưa kể đến những “bạn” xe khách Phương Trang cỡ lớn thường xuyên lấn đường, bật pha sáng chói, đổ đèo rầm rầm.

Khó đi là thế, nhưng gồi sau vô-lăng Outlander, chúng tôi cũng phần nào yên tâm. Động cơ 2.4 lít đủ khỏe để leo dốc và cũng đủ nhanh để tăng tốc vượt những chiếc công-ten-nơ dài ngoằng. Đèn pha LED cho khả năng chiếu sáng tối ưu cho chúng tôi một tầm quan sát tốt.

Đèo Bảo Lộc nổi tiếng với những khúc cua gấp. Lúc này, tôi chuyển sang sử dụng chế độ lẫy số tay trên vô-lăng. Đây là tính năng rất hữu dụng để giảm tốc độ khi vào cua và nhanh chóng gạt lẫy (+) để tăng tốc thoát cua. Nhờ chế độ chuyển số tay, xe vào cua “tròn” mà không có cảm giác giật cục.

_DSC7664-copy.jpg

Chế độ lẫy số tay trên vô-lăng rất hữu ích khi leo dốc, đổ đèo

Điều khiển Outlander qua nhiều khúc cua gấp bằng lẫy chuyển số không chỉ an toàn mà còn khiến tôi rất phấn khích. Với sức mạnh 165 “ngựa” cùng các hệ thống phanh ABS, hệ thống cân bằng điện tử ASC hay chế độ lái L tự động giảm số thấp để "phanh số" đã giúp cho hai người bạn đồng hành của chúng tôi vượt đèo dễ dàng. Vì lái Outlander mà dường như cảm thấy đèo Bảo Lộc quá ngắn và dễ đi chứ chẳng khó như nhiều người miêu tả.

Đường lên “xứ ngàn hoa”

Suốt hành trình từ thành phố Bảo Lộc qua 4 thị trấn, thị tứ từ Di Linh, Đức Trọng đến Liên Nghĩa, mặt đường nhiều đoạn có chất lượng khộng tốt, dù đêm phương tiện di chuyển không nhiều, nhưng Outlander đi mà như “bò” trên đường. Ở những đoạn được phép chạy tốc độ cao thì lại gặp một nỗi lo khác. Dù đã rất tập trung nhưng vẫn có lúc cầm lái mà giật mình đạp phanh vì mấy cậu thanh niên địa phương đi nhậu đêm về sang đường chẳng chịu xi-nhan, hay một thằng nhóc đạp xe ngược chiều bất ngờ rẽ sang mà không cần biết trên đường có gì. Đấy là chưa kể, “đám” xe khách thỉnh thoảng đè mặt, vượt ẩu như là “đường của nhà mình”.

_DSC7505-copy.jpg

Sau 300km từ Sài Gòn lên Đà Lạt, tôi nhận thấy Outlander có khả năng vận hành rất ưu việt

Suốt tuyến quốc lộ 20 không biết bao nhiêu đèn hiệu nhấp nháy đi kèm cái cảnh báo “Đi chậm, phía trước là công trường”. Qua những đoạn sửa chữa, đường vốn đã chật hẹp, mặt đường còn xuất hiện đầy những ổ trâu, ổ gà. Nhiều đoạn công trình thi công mương thoát nước đào xới ngổn ngang. Xe phải liên tục lách tránh những đoạn mặt đường hư hỏng.

Đường khó, nhưng các thành viên trong đoàn lại càng thêm tự tin về những gì đang cảm nhận về “một trong những mẫu xe CUV an toàn nhất” đến từ Mitsubishi. Tay lái trợ lực nhẹ nhàng ở tốc độ chậm, cực kì chuẩn xác giúp người điều khiển có thể dễ dàng né được những chướng ngại vật hay "ổ gà". Bên cạnh đó là hệ thống treo với độ cứng vừa đủ để tạo cảm giác lái thể thao, cách âm khá tốt không gây cảm giác khó chịu cho toàn bộ hành khách trên xe. Đó thực sự là những yếu tố đáng chú ý mà thương hiệu xe Nhật đã đưa vào sản phẩm của mình, đem lại những gì tốt nhất cho người tiêu dùng so với những gì bỏ ra.

>> Xem tiếp Cầm lái Mitsubishi Outlander “từ phố lên rừng” (P.2)

Thế Đạt (Trithucthoidai)
Ảnh: Lê Hùng