Thứ bảy | 21/12/2024 | 08:25

Ngày 5: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn

Chúng tôi kết thúc hành trình khám phá Tây Trường Sơn trong những xúc cảm chưa dứt về dải đất một thời đạn bom vần vũ.

5 ngày hành trình, chúng tôi đã đi gần 2.000 cây số, qua nhiều địa danh vẫn còn ghi dấu những chứng tích lịch sử một thời. Dải đất ấy - trong cảm thức của tôi bao giờ cũng chỉ với 2 màu đen - trắng và những hình ảnh chiến tranh khốc liệt nhất. Ấy là vì tôi chỉ mới biết Tây Trường Sơn thông qua những bộ phim tài liệu lịch sử và những câu chuyện chiến đấu mà cha, chú tôi kể lại. Sẽ mãi mãi là như vậy nếu không có chuyến du khảo đáng nhớ này.

Hành trình ngày 03 (14).jpg

Tạm biệt “Vùng máu lửa”

Buổi sáng, khi mặt trời vừa vượt cánh rừng đại ngàn để treo trên ngọn núi, chúng tôi thức dậy sau một đêm ngon giấc tại thị trấn Khe Sanh. Ngày thứ 8 và cũng là ngày cuối trong hành trình, phía trước chúng tôi vẫn còn vô số địa danh cần khám phá. Những cái tên như Làng Vây, sân bay Tà Cơn chỉ mới nghe thôi đã muốn bước chân đến.

Nơi chúng tôi nghỉ lại đêm qua và được nghe người lính già kể chuyện - Khe Sanh, là một địa danh rất nổi tiếng trong chiến tranh Việt Nam. Vùng đất này được cả thế giới biết đến như là “Điện Biên Phủ thứ hai” hay là chốn “địa ngục trần gian” theo cách cảm nhận của Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong 77 ngày bị vây hãm ở đây.

hành-trình-ngày-cuối.jpgMột chứng tích ở sân bay Tà Cơn

Từ đường 9, trở lại đường Hồ Chí Minh (Tây) một đoạn, chúng tôi đến sân bay Tà Cơn. Đường băng của sân bay Tà Cơn năm nào mà dấu vết chỉ còn lại vài cái vỉ sắt hoen rỉ. Một số khí tài quân sự của quân đội Mỹ bỏ lại khi rút chạy khỏi Khe Sanh là những xác máy bay vỡ vụn. Một chiếc trực thăng vũ trang UH1A nằm chơ vơ. Xác mấy chiếc xe tăng, xe bọc thép bị cháy trơ khung, đứt xích. Có một di vật tương đối còn khá nguyên vẹn, ấy là chiếc máy bay vận tải khổng lồ Hercule C130 nằm trên những tấm vỉ sắt dã chiến. Khách đến tham quan Khe Sanh thường rất thích chụp ảnh lưu niệm bên chiếc máy bay này, có lẽ nó là biểu tượng cho sự thất bại của không lực Hoa Kỳ mà giới quân sự Mỹ thường hay rất khoa trương, tự hào.

Chúng tôi đi tiếp đến bộ chỉ huy căn cứ Khe Sanh. Đó là hai căn nhà mái tôn, vách gỗ ghép, xung quanh có những lớp bao cát che chắn. Đây là nơi đại tá David E. Lownds (chỉ huy tại chỗ) nhận mệnh lệnh tác chiến từ Đại tướng Westmoreland – Tổng tư lệnh quân đội viễn chinh Mỹ tại miền Nam Việt Nam. Căn nhà chỉ huy kép kín, không ai ở trong đó, có chăng chỉ là bóng dáng của quá khứ như còn lẩn khuất đâu đây, quanh những công sự, hầm hào, bên những xác xe, pháo, máy bay nằm phơi mình giữa những bãi cỏ xanh dưới bầu trời đầy mây trắng của đại ngàn Trường Sơn mênh mông, hùng vĩ.

Không còn kịp thời gian cho nhật trình ngày trở về, nên sau khi ở Tà Cơn, chúng tôi quyết định trở lại thị trấn rồi theo đường 9 đi theo hướng Đông Hà. Trước khi đi, cả đoàn vẫn cố níu chân đôi phút bên cầu Đakrông để chụp ảnh. Cầu Đakrông bắc qua sông Sê Pôn điểm đầu của Quốc lộ 14 tại km 42 Quốc lộ 9. Quốc lộ 14 là một phần của đường Hồ Chí Minh và đường Xuyên Á. Trong chiến tranh chống Mỹ, đoạn sông Đakrông là điểm vượt bí mật của tuyến đường mòn Trường Sơn - Hồ Chí Minh với ba bến vượt: Khe Xom, cầu Cu Tiền và Xóm Rò...

Hành trình ngày cuối (1).jpg Hành trình ngày cuối (4).jpg

Trên cây cầu Đakrông

Đứng trên chiếc cầu treo màu trắng thanh mảnh, ngắm nhìn những vách núi hùng vĩ dựng đứng dọc những khúc sông uốn lượn mềm mại và những người phụ nữ Pa Cô gùi măng rừng đi bán, tôi không thể nghĩ rằng đây là nơi một thời đạn lửa cày xéo. Cảm giác yên bình xâm chiếm hồn tôi. Những đau thương mất mát đã được dòng sông chở ra biển lớn. Giờ đây, Dakrông lại hiền hòa, trữ tình như nó chưa từng thấm máu đỏ và buôn làng lại cất lên những điệu hát thanh bình để mỗi nụ cười sơn cước đều trở lại hiền hòa như con sông, con suối giữa đại ngàn…

Rời Khe Sanh trong những xúc cảm khó phai, tôi thầm hẹn ngày trở lại để đi hết cả vùng đất này, để được gặp nhiều hơn nữa những chàng trai, cô gái Pa Cô, Vân Kiều. Những Làng Vây, Tà Cơn, Cam Lộ, Dakrông, Nghĩa trang đường 9, địa phận hàng rào Macnamara… lần lượt nằm lại phía sau trong sự tiếc nuối của cả đoàn vì có nơi vẫn chưa thể ghé thăm.

Cảm xúc đường về

Từ đường 9, chúng tôi không đi thẳng ra Đông Hà, mà khi bắt gặp đường Trường Sơn nhánh Đông thì rẽ trái theo con đường quen thuộc ấy mà trở ra Đồng Hới rồi về Hà Nội để kết thúc hành trình. Trên đường về, chúng tôi rẽ vào thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang TNXP và Nghĩa trang Trường Sơn.

Hành trình ngày cuối (3).jpgTừ Khe Sanh, chúng tôi đi theo đường 9 Nam Lào rồi rẽ theo lối Trường Sơn Đông để trở về

Gần trưa, các khu mộ quạnh vắng bóng người, chỉ có tiếng thì thầm của rặng thông trong gió. Tôi nhớ về những dòng ngắn ngủi mà mình đã đọc ở đâu đó: “Trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đây vốn được coi là “miền đất chết”, là nơi mà những chàng trai, cô gái tuổi 20 của cả nước đã thể hiện tình yêu Tổ quốc của mình, chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng. Họ đã ngã xuống cho đất nước đứng lên”.

Tôi ngắm nhìn những bông trang đỏ rực trên các khu mộ, những cánh hoa dường như đỏ thắm hơn và đều vút thẳng lên đón ánh nắng mặt trời một cách mạnh mẽ. Phải chăng, đó là hiện thân của lý tưởng lẫn phong thái hiên ngang của những người chiến sỹ đã chiến đấu và hy sinh tại vùng đất nóng bỏng này…

Lúc trở ra, dù trưa đã muộn, chúng tôi vẫn ghé thăm Cầu treo Bến Tắt. Đây là chiếc cầu treo đầu tiên và duy nhất do các kỹ sư Cuba thiết kế xây dựng còn lại trên tuyến đường vận tải Hồ Chí Minh huyền thoại.

Hành trình ngày cuối (5).jpgCầu treo Bến Tắt

Với sức tải cho xe 10 tấn, khổ lòng cầu rộng 4m mặt bê tông cốt thép, cấu trúc cáp treo với nhịp vượt hơn 100m bắc qua dòng sông Bến Hải, cây cầu đã đáp ứng thông đường cho hầu hết các loại xe tải quân sự, dân sự phục vụ chiến trường vào thời điểm đó và tiếp tục đứng vững sau nhiều năm với hàng triệu lượt xe, người qua lại.

Dải đường về Đồng Hới xanh mướt bóng cây và những ngôi nhà sàn nằm lặng lẽ bên sườn núi gợi cho tôi cảm nhận về cuộc sống thanh bình. Những chứng tích chúng tôi đã đi qua, những địa danh chúng tôi đã đến trong 5 ngày hành trình đều là những nơi bị tàn phá ác liệt nhất bởi chiến tranh. Giờ đây, những vùng đất ấy đang được phủ kín bởi màu xanh của cỏ cây, ruộng đồng, của cuộc sống con người.

5 ngày của chương trình photo tour "Hành trình di sản” mang tên "Những chuyến viễn du" khám phá Tây Trường Sơn là 5 ngày đầy ý nghĩa đối với các thành viên trong đoàn. Nó nhắc nhớ chúng tôi về một thời oanh liệt của các thế hệ đi trước, nhưng cũng cho chúng tôi thêm yêu vẻ đẹp chẳng nơi nào có được của dải đất hình chữ S quê hương mình.

Dù còn nhiều tiếc nuối nhưng chúng tôi vẫn phải về với cuộc sống hằng ngày, về để lấy lại cân bằng, để khi có điều kiện là tiếp tục lên đường đi tới những vùng đất mới.

  • Ngày 4: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn
  • Ngày 3: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn
  • Ngày 2: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn
  • Ngày 1: Hành trình khám phá Tây Trường Sơn

Thế Đạt (trithucthoidai)
Ảnh: Trung Hiếu