Bảo tàng Honda Collection Hall giống như câu chuyện kể về người sáng lập Soichiro Honda và niềm đam mê dẫn lối những ước mơ của một trong những hãng xe lớn nhất thế giới.
Nằm trên một địa điểm tách biệt ở phía bắc của thủ đô Tokyo Nhật Bản, Honda Collection Hall là nơi quy tụ những cỗ máy tuyệt vời nhất trên thế giới, từ các mẫu xe sản xuất, xe touring, những con rô-bốt tiên tiến, xe máy phân khối lớn và thậm chí cả những chiếc xe đua đã từng giúp chủ nhân của chúng nâng cao chiếc cúp Công thức 1 danh giá.
Twin Ring Motegi cách Tokyo khoảng 2 giờ đi xe buýt. Cần phải nói thêm rằng, Twin Ring Motegi và Suzuka Circuit được coi là “vùng đất thánh” của Honda và đây cũng là hai trường đua lớn rộng lớn nhất được sở hữu bởi công ty Honda Motor.
Honda Collection Hall là một tòa nhà có lối kiến trúc độc đáo, nằm giữa những rặng cây được chăm sóc kỹ lưỡng ở Motegi. Nơi đây chứa đựng tất cả niềm tự hào của Honda trong vòng 5 thập kỷ qua, nơi tái hiện những khoảnh khắc đậm dấu ấn của hãng xe này trên đường phố, trên đường đua và trên cả đường đời.
Toàn bộ Honda Collection Hall chính là một câu chuyện kể về người sáng lập Soichiro Honda và niềm đam mê dẫn lối những ước mơ.
Tuy nhiên, toàn bộ Honda Collection Hall chính là một câu chuyện kể về người sáng lập Soichiro Honda và niềm đam mê dẫn lối những ước mơ.
“Ngày xửa ngày xưa”, Soichiro Honda đã có được bài học đầu tiên về một chiếc xe hơi khi ông còn là một cậu bé bị mê hoặc bởi tiếng động cơ trong một lần tản bộ. Ở tuổi 17, Soichiro Honda đã xây dựng chiếc xe đua đầu tiên cho mình trong khi làm việc tại Art Shokai - một của hiệu ô tô tại địa phương.
Sử dụng khung gầm Mitchell và động cơ của chiếc máy bay hai cánh Curtiss, Honda đã tạo nên chiếc xe hơi Curtiss. Phiên bản trưng bày của chiếc xe này tại sảnh của Honda Collection Hall tương đối giống với nguyên mẫu, từ bố cục, cấu trúc xe cho đến những chiếc dây da trên nắp ca-pô.
Khởi đầu với mảng xe hai bánh
Sự khởi đầu chính thức của công ty Honda Motor diễn ra sau thế chiến thứ 2. Do mắc chứng mù màu, Soichiro không đủ điều kiện để vào quân đội. Tuy nhiên, ông tha thiết muốn khôi phục lại đất nước sau những tàn phá to lớn bởi chiến tranh.
Honda Auxiliary Engine 1946 (ngoài cùng bên trái).
Sử dụng một động cơ nhỏ lấy từ máy phát radio, Honda đã có thể sản xuất một động cơ bắt bu-lông cho những chiếc xe đạp phổ biến ở thời kỳ đó, cho phép mọi người sở hữu một phương tiện di chuyển với giá cả phải chăng. Mẫu xe đạp động cơ Honda phiên bản 1946 được trưng bày tại tầng hai của bảo tàng này chính là điểm khởi đầu cho toàn bộ đế chế Honda Motor.
Tiếp nối sau đó là chiếc Honda Model A 1947, một sự phát triển sâu rộng hơn của động cơ xe đạp và là chiếc xe đầu tiên có biểu tượng Honda trên bình nhiên liệu. Vào năm 1949, công ty đã cho ra mắt những chiếc xe máy được nghiên cứu nội bộ đầu tiên - Honda Model C và Honda Dream D.
Vào năm 1949, công ty đã cho ra mắt những chiếc xe máy được nghiên cứu nội bộ đầu tiên - Honda Model C và Honda Dream D.
Việc kinh doanh xe máy của Honda cũng bắt đầu phát triển từ đó với những chiếc xe như Cub F - mẫu xe đạp sử dụng động cơ được ra mắt với lô gô trắng đỏ của Honda, Dream CS1 - chiếc Super Cub nổi tiếng, xe thể thao CB, hay xe Scrambler.
Thậm chí, Honda đã từng bước tham dự các giải đua và nếm trải hương vị chiến thắng tại Isle Of Man TT và giải đua xe máy Grand Prix với RC 142, RC 161. Các mẫu xe này hiện được trưng bày ở phía nam của tầng hai và tầng ba của Honda Collection Hall.
Honda đã từng bước tham dự các giải đua và nếm trải hương vị chiến thắng tại Isle Of Man TT và giải đua xe máy Grand Prix.
Lấn sân sang mảng xe hơi
Trái với suy nghĩ của nhiều người, mảng xe hơi tại Honda không được bắt đầu với một chiếc hatchback, sedan hay coupe thể thao. Chiếc xe tải cỡ nhỏ T360 1963 được thiết kế nhằm đáp ứng các yêu cầu của phân khúc xe Kei tại Nhật ( Kei car: xe cỡ nhỏ) với động cơ 356 cc là viên gạch đầu tiên đặt nền móng cho cả một tương lai sáng lạn sau này.
Chiếc xe tải cỡ nhỏ T360 1963
Bằng việc áp dụng các công nghệ cơ khí lên T360, chỉ bốn tháng sau, chiếc xe đi phố S500 1963 ra đời và sau đó 1.300 chiếc đã xuất xưởng trong hơn một năm. Bên cạnh đó, T360 cũng chứng tỏ sự thành công của riêng mình, với hơn 100.000 chiếc đã lăn bánh khỏi nhà máy Honda trong 4 năm.
Chiếc xe đi phố S500 1963.
Là một hãng xe máy tiên phong, có lẽ Honda đã hiểu rằng phân khúc xe Kei là phương pháp tối ưu để Honda thâm nhập vào ngành công nghiệp ô tô. Trong bảo tàng Honda, khách tham quan có thể chiêm ngưỡng vô số các ví dụ về sự sáng tạo của Honda liên quan đến sự định hướng này như Honda S600 1965 với thân xe fastback GT, Honda Life 1971, Honda Today 1985, Honda Beat 1991 (chiếc xe đầu tiên được trang bị hệ thống phun nhiên liệu điện tử PGM-FI) và thậm chí là cả chiếc xe tải mang hơi hướng quân đội Honda Vamos 1970.
Honda Beat 1991.
Tham vọng với mảng xe đua
Khi đã ở giữa đỉnh cao trong phân khúc xe Kei, con người mộng mơ trong Soichiro Honda đã chắc chắn theo đuổi các tham vọng lớn lao hơn với những chiếc xe thể thao bốn bánh. Vì vậy, ông đặt một mục tiêu thật cao: giải đua công thức 1.
Khi đã ở giữa đỉnh cao trong phân khúc xe Kei, con người mộng mơ trong Soichiro Honda đã chắc chắn theo đuổi các tham vọng lớn lao hơn với những chiếc xe thể thao bốn bánh
Để làm được điều này, Honda đã mua một chiếc Cooper Climax T53 - mẫu xe có nhiều liên hệ với các mô hình xe đua công thức 1 đầu tiên. Cooper Climax T53 sở hữu động cơ được đặt ngay dưới ghế lái và tương tự với những chiếc xe GP ngày nay.
Chiếc xe này vẫn được lưu giữ tại bảo tàng Honda, nhưng nó lại chưa từng lăn bánh trên bất kỳ đường đua. Thay vào đó, đội ngũ kỹ sư của Honda đã nghiên cứu Cooper Climax T53 một cách kỹ càng cho giấc mơ “đua” của riêng họ. Kết quả của nghiên cứu đó mang tên Honda RA271 1964 - chiếc xe đua công thức một đầu tiên của Nhật Bản.
RA272.
Mặc dù đã phải dừng sớm tại giải F1 1964 sau ba vòng đua vì nhiều lý do, song RA271 chính là tiền đề để Honda phát triển nên RA272 vào năm tiếp theo.
Với Richie Ginther phía sau tay lái, RA272 đã có màn thể hiện tốt hơn người tiền nhiệm khi kết thúc một số vòng đua trong top 10. Tuy nhiên, tại vòng đua cuối cùng, RA272 và Honda đã làm được điều mà họ trông đợi khi cán đích tại vị trí đầu tiên. Nhờ chiến thắng tại F1, RA272 được đặt tại vị trí nổi bật ở sảnh của bảo tàng Honda Collection.
Chiến thắng tiếp theo của Honda tại F1 là vào năm 1967 với chiếc RA300 trong tay của huyền thoại đua John Surtees. RA300 đã chiến thắng ngay ở màn ra mắt đầu tiên trên chính sân nhà của Ferrari tại đường đua Monza. Đây cũng là chiến thắng cuối cùng của Honda R&D trước khi rút khỏi giải đấu F1 vào năm 1968. RA300 hiện đặt ở tầng 3 của Honda Collection Hall.
Mặc dù chấm dứt tham dự giải F1 với tư cách là một đội đua, song điều đó không có nghĩa rằng Honda chấm dứt hết niềm đam mê của họ với những chiếc xe đua. Vào thâp kỷ 80, công ty tái xuất F1 như một nhà cung cấp động cơ cho rất nhiều các chiếc xe đua trong nhiều mùa giải Williams Honda FW09 1984, Williams Honda FW11B 1987, McLaren-Honda MP4/7, Jordan Honda EJ12 2002, Panoz G-Force GF09B Honda 2004.
Tham vọng to lớn hơn
Vào những năm 1970, Honda đã chuyển sự tập trung từ xe đua sang chế tạo những chiếc xe đi phố tốt hơn. Hãng đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu cải thiện hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu và giảm lượng khí thải bằng cách thay đổi hỗn hợp khí-nhiên liệu trong xy lanh bằng công nghệ CVCC.
Hãng đã hoàn thành xuất sắc mục tiêu cải thiện hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu và giảm lượng khí thải bằng cách thay đổi hỗn hợp khí-nhiên liệu trong xy lanh bằng công nghệ CVCC.
Kỹ thuật thông minh này cho phép Honda đạt được các tiêu chuẩn khí thải tại Hoa Kỳ mà không cần thiết phải sử dụng một bộ chuyển đổi xúc tác. Những động cơ với công nghệ CVCC đầu tiên được trang bị cho các mẫu xe phổ biến của Honda như Accord (1976) và Civic (1973). Ngoài ra, thành công này cũng mở đường cho nhiều thương hiệu khác của Honda như Honda City hatchback, Prelude hay Honda City Cabriolet.
Tuy nhiên, phải đến những năm 90 của thế kỷ 20, cái tên Honda mới được biết đên rộng rãi, đặc biệt với giới độ xe nhờ ứng dụng công hệ VTEC - một hệ thống kiểm soát van biến thiên có thể thay đổi hiệu suất của động cơ theo mức vòng quay.
Honda NSX-R 1992.
Công nghệ VTEC mang đến cho khách hàng một chiếc xe dễ dàng vận hành hơn ở mức vòng quay thấp trong khi vô cùng nhanh và mạnh mẽ ở mức vòng quay cao. Có thể kể đến một số mẫu xe phổ phiến trang bị VTEC nằm trong bảo tàng Honda như Honda Integra Type-R (DC2) 1995 công suất 197 HP, Honda Civic Type-R (EK9) 1997 công suất 182 HP và Honda NSX-R 1992.
Giấc mơ ngày mai
Honda Collection Hall có thể là một bảo tàng chứa đựng rất nhiều các vinh quang và thành tựu xưa cũ, song nó cũng thực sự cho các khách tham quan thấy đặc tính của công ty khi đổi mới.
Honda – The Power of Dreams có thể nghe giống như những câu slogan sáo rỗng trong marketing nhưng khi nhìn vào bộ sưu tập đầy những tiến bộ và thành tựu này, công ty Honda đã thực sự mang ước mơ của họ đến với thế giới của cơ khí, máy móc.
Hôm nay, Honda đang ở trong một thời điểm khó khăn trong lịch sử của công ty này, khi mà những bê bối liên quan đến nhà cung cấp nhôm thép Kobe Steel đang làm chao đảo toàn bộ ngành công nghiệp ôtô Nhật Bản. Tuy nhiên, giống như mọi người vẫn thường nói, giấc mơ và thách thức luôn luôn là bạn đồng hành.
Và với những cảm hứng được truyền tải thông qua các thành tựu đang trưng bày tại bảo tàng lịch sử Honda Collection Hall, đội ngũ Honda chắc chắn sẽ lập trình, nghiên cứu, chế tạo và xây dựng con đường của chính họ thông qua những giấc mơ được chắp cánh bởi cha đẻ Soichiro Honda.
diep_pn (forum.autodaily.vn)
ảnh: Hoàng Tuấn